Trong 10 năm qua, thế giới đầu tư bao trùm tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) và giờ đây các nhà đầu tư mạo hiểm đã trở về với thực tại…
Theo CNBC, các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Đông Nam Á được dự báo sẽ kén chọn hơn trong năm 2023 trong bối cảnh định giá doanh nghiệp giảm xuống và một loạt thách thức kinh tế đã kéo tụt tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2022.
“Kỷ nguyên tín dụng nới lỏng đã qua rồi”, ông Yinglan Tan, CEO tại quỹ đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners có trụ sở tại Singapore, nhận xét.
Theo ông Jefrey Joe, nhà đồng sáng lập tại quỹ Alpha JWC Ventures của Indonesia, điều đáng quan tâm nhất trong năm 2023 là các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng, bảo vệ mức định giá và tồn tại trong môi trường đầy thách thức ra sao.
Theo dữ liệu từ công ty dữ liệu Crunchbase, trong 3 quý đầu năm 2022, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm mà các doanh nghiệp trên toàn cầu huy động được chỉ là 369 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với kỷ lục gần 680 tỷ USD của cả năm ngoái. Năm 2021, vốn đầu tư mạo hiểm được thực hiện tăng 98% so với năm 2020.
“Trong 10 năm qua, thế giới đầu tư bao trùm tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội). Các nhà đầu tư tên tuổi rót tiền vào sàn giao dịch tiền ảo vừa phá sản FTX thời gian qua cũng vì sợ bỏ lỡ cơ hội”.
Peng. T Ong, người đồng sáng lập kiêm quản lý tại Monk’s Hill Ventures
“Theo quan sát của chúng tôi, số vốn đầu tư mạo hiểm được các quỹ Đông Nam Á triển khai đã giảm khoảng 25-30% trong năm nay. Mức giảm thậm chí còn lớn hơn ở Indonesia. Sự sụt giảm này diễn ra chủ yếu trong các vòng gọi vốn từ Series B trở về sau”, ông Gavin Teo, một quản lý tại Altara Ventures, cho biết.
Trên thực tế, hầu hết các quỹ đầu tư mạo hiểm đều đã triển khai vốn đầu tư trong năm qua nhưng họ chủ yếu tìm kiếm những cơ hội đầu tư thật tốt.
“Thực ra chúng tôi có thể chủ động và quyết liệt triển khai vốn, nhưng quan trọng là với mức định giá như thế nào”, ông Joe của Alpha JWC Ventures nói.
Từ đầu năm nay, cổ phiếu công nghệ đồng loạt giảm giá trong bối cảnh lãi suất tăng và kết quả kinh doanh gây thất vọng. Trong khi đó, hầu hết startup Đông Nam Á vẫn chưa có lãi. Những cái tên điển hình như Sea Group và Grab vẫn đang lỗ hàng tỷ USD mỗi năm.
“Trong 10 năm qua, thế giới đầu tư bao trùm tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội)”, ông Peng. T Ong, người đồng sáng lập kiêm quản lý tại Monk’s Hill Ventures, nhận xét.
Ông cho rằng các nhà đầu tư tên tuổi rót tiền vào sàn giao dịch tiền ảo vừa phá sản FTX thời gian qua cũng vì “sợ bỏ lỡ cơ hội”.
Vốn hóa của các công ty công nghệ Đông Nam Á cũng đã giảm đáng kể từ khi niêm yết cổ phiếu. Đơn cử, vốn hóa của công ty thương mại điện tử khổng lồ Sea (Singapore) – công ty mẹ của Shopee, hiện đang niêm yết tại sàn chứng khoán New York (Mỹ) – đã giảm từ hơn 200 tỷ USD vào cuối năm ngoái xuống chỉ còn khoảng 30 tỷ USD. Định giá của công ty GoTo cũng đã giảm hơn 75% từ mức 28 tỷ USD kể từ khi niêm yết tại Jakarta hồi tháng 4. Còn giá trị của Grab đã giảm 69% so với định giá khoảng 40 tỷ USD ban đầu kể từ khi niêm yết vào tháng 12/2021.
“Chúng ta đã trở về thực tại. Tất cả đều phải tiến lên: Bạn cần phải có một lộ trình để có lãi. Bạn mặc định phải sống (default alive)”, ông Ong nói, đề cập tới cụm từ “default alive” chỉ các công ty có thể có lợi nhuận trước khi cạn tiền. “Bạn cần phải có lãi góp (contribution margin) dương. Điều này lẽ ra nên được quan tâm từ lâu nhưng chúng ta đã bị cuốn quá sâu vào vòng quay vốn đầu tư”.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng môi trường huy động vốn bị siết chặt này thực tế là một phép thử để chứng tỏ tính bền vững của mô hình kinh doanh và nhu cầu trong từng lĩnh vực.
“Những công ty thực sự vượt qua mùa đông này sẽ chứng tỏ là những công ty sống sót trong bối cảnh thị trường đi xuống. Vì vậy, theo một cách nào đó, thị trường đang giúp ích rất nhiều cho chúng ta”, bà Jessica Koh, giám đốc đầu tư của Vertex Ventures nói.
Một số lĩnh vực như thương mại điện tử nhanh đã chứng kiến sự suy tàn khi nhu cầu bị thử thách trong bối cảnh hiện nay. Các công ty thương mại điện tử nhanh hứa hẹn giao hàng tới tay người mua trong vòng chưa đầy 30 phút sau khi đặt hàng. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này đã phải dừng hoạt động. Đơn cử là công ty thương mại điện tử nhanh Bananas của Indonesia hồi tháng 10 thông báo sẽ ngừng hoạt động dù mới chỉ ra mắt được 10 tháng.
“Rõ ràng, với dòng vốn đang bị siết chặt, những công ty nào chưa sẵn sàng vượt qua môi trường đầy thách thức sẽ lộ diện rõ ràng hơn”, ông Tan của Insignia nói.