Khi một nông dân đầu tư vào công nghệ mới, họ coi điều này như đang đánh cược cả trang trại. Vì nếu công nghệ không thực sự hiệu quả, điều này có thể khiến họ gặp hiểm họa về tài chính…
Theo Entrepreneur, khi các công ty khởi nghiệp về công nghệ nông nghiệp (agritech) phát triển nhanh chóng, các nhà đầu tư và những người sáng lập đang bỏ qua một thực tế quan trọng: Nông nghiệp là một lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn chúng ta tưởng.
Đương nhiên, đầu tư công nghệ trong nông nghiệp là cần thiết, nhất là khi dân số toàn cầu có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Chúng ta cần thực phẩm với số lượng nhiều hơn và chất lượng tốt hơn nhưng quỹ đất có hạn. Chính vì vậy, công nghệ là biện pháp tối ưu nhất để giải quyết bài toán này.
Rất nhiều ông lớn trong Thung lũng Silicon đã đầu tư vào agritech và một trong những nhân vật hàng đầu chính là Bill Gates. Ông đã mua lại các trang trại và tài trợ để đổi mới công nghệ trong nông nghiệp. Michael Gilbert là nhà khoa học đồng thời là Giám đốc điều hành của một công ty công nghệ về nông nghiệp chuyên hợp tác với các trang trại để đảm bảo công nghệ mang lại lợi ích thiết thực. Ông cho rằng sáng kiến của Thung lũng Silicon đang mất kết nối với quy luật của tự nhiên.
Michael Gilbert đã đưa ra 5 điểm quan trọng mà các nhà tài trợ và chuyên gia công nghệ cần hiểu để thúc đẩy sản phẩm đổi mới hiệu quả trước khi đưa đến tay nông dân.
1. THỬ NGHIỆM NHANH KHÔNG PHÙ HỢP VỚI NÔNG NGHIỆP
Nội dung chính
Thử nghiệm nhanh là nguyên lý của khởi nghiệp tinh gọn, thường được nhiều công ty công nghệ áp dụng trong quá trình tìm kiếm những tính năng phù hợp hơn để hoàn thiện sản phẩm.
Trên thực tế, khách hàng của agritech không phù hợp với mô hình này. Người nông dân chỉ có thể đánh giá giá trị của công nghệ khi đã sử dụng trong một khoảng thời gian và một trục trặc của máy móc có thể gây hậu quả không nhỏ đến toàn bộ vụ thu hoạch. Điều này có nghĩa công nghệ phải thực sự tinh chỉnh trước khi đưa vào ứng dụng thực tế.
Sự thật này có thể sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các công ty đã quen với việc sản xuất MVP (sản phẩm chưa hoàn thiện hoàn toàn, khách hàng sau đó có thể cung cấp phản hồi để tiếp tục phát triển sản phẩm) hay các bản cập nhật gia tăng (incremental updates).
Tuy nhiên, cũng theo Michael Gilbert, các công ty có thể phát hành các bản cập nhật, nhưng với điều kiện là chúng phải hoạt động hiệu quả ở một góc độ nào đấy. Các doanh nghiệp có thể cộng tác với nông dân trước khi đưa ra sản phẩm chính thức và thử nghiệm vào những giai đoạn không phải mùa trồng trọt.
2. HỖ TRỢ NÔNG NGHIỆP KHÔNG THỰC SỰ CẦN CHATBOT
Hiện nay, tự động hóa dịch vụ khách hàng đang được ứng dụng rộng rãi để giải quyết các vấn đề của khách hàng mà vẫn tiết kiệm chi phí. Nhưng trên thực tế, trong nông nghiệp, chatbot không thực sự hữu dụng.
Nông dân không thể tự khắc phục hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn sự cố về cảm biến, màn hình, tự động hóa hay các hỏng hóc trong hệ thống khác. Họ cần sự giúp đỡ nhanh chóng của các kỹ sư. Việc sửa chữa chậm trễ máy móc trong vài ngày cũng có thể gây thiệt hại không thể khắc phục cho việc trồng trọt của cả trang trại.
Vì vậy, các công ty nên tập chung vào việc đẩy nhanh thời gian xử lý nguyên nhân gây gián đoạn hoạt động máy móc thay vì sử dụng những hỗ trợ công nghệ tạm thời để giải quyết khiếu nại của khách hàng.
3. KỲ VỌNG SAI VỀ ĐƯỜNG CONG TĂNG TRƯỞNG TRONG NÔNG NGHIỆP
Hầu hết khi rót vốn vào nông nghiệp, các nhà đầu tư đều tin rằng biểu đồ tăng trưởng hình khúc côn cầu sẽ sớm xảy ra như trong các lĩnh vực từng được ứng dụng công nghệ khác. Tuy nhiên, họ lại quên mất một điều: nông dân thường có xu hướng thận trọng với các sản phẩm mới.
Nông dân sẽ không mua một thiết bị mới chỉ vì nó nhận được hàng nghìn đánh giá trực tuyến tích cực. Họ sẽ tin vào những đánh giá và kết quả thực tế. Vì vậy, các nhà cung cấp đáng tin cậy, bạn bè và hàng xóm là công cụ tiếp thị tốt nhất cho các nhà phát triển công nghệ.
Và một khi hiệu quả đã được chứng minh, doanh thu của thiết bị đó sẽ tăng nhanh hơn bao giờ hết. Cách đây 20 năm, khi các công nghệ như GPS, công cụ lập bản đồ hay các thiết bị lớn khác vừa ra mắt, phần lớn các trang trại cho rằng nó không cần thiết. Tuy nhiên, ngày nay, rất hiếm các trang trại ở nước ngoài không sử dụng công nghệ lập bản đồ.
Dù sao, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp có thể sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng như khúc côn cầu, nhưng…có thể sẽ mất thời gian.
4. CHƯA THỂ THỬ NGHIỆM A/B CHO MỘT TRANG TRẠI
Nền tảng truyền thông xã hội như Instagram có thể dễ dàng điều chỉnh thuật toán để tác động đến việc sử dụng của người dùng. Tuy nhiên, trang trại không hoạt động theo cách này vì thực vật hoạt động theo cách phức tạp hơn.
Khi các nhà đầu tư yêu cầu một công ty định giá chính xác các dịch vụ trong nông nghiệp của họ, đó không phải là câu hỏi có câu trả lời đơn giản. Khi nông dân sử dụng một nền tảng trồng trọt mới, kết quả không thể có ngay lập tức. Con số “đô la” chính xác không phải lúc nào cũng dễ dàng đánh giá trong đầu tư vào nông nghiệp.
5. NÔNG DÂN KHÔNG CẦN CÔNG NGHỆ MỚI, HỌ CẦN HIỆU QUẢ THỰC TẾ
Trên thực tế, nông nghiệp đã đổi mới kể từ khi có sự xuất hiện của máy cày với những làn sóng thay đổi: từ người máy và tự động hóa đến tin sinh học và dữ liệu lớn. Nông dân đã sẵn sàng và chờ đợi những đổi mới công nghệ lớn lao tiếp theo.
Tuy nhiên, họ không muốn những tiện ích mới nhất, họ muốn kết quả thực tế nhất. Khi công nghệ đạt đến giới hạn có thể thực hiện trên quy mô lớn hơn, nông dân sẽ càng tham vọng về một tương lai sản xuất nhiều hơn với chi phí thấp hơn, đó là lúc công nghệ thực sự quan trọng trong nông nghiệp. Đối với các công ty về công nghệ nông nghiệp, điều quan trọng là phải hiểu rõ điểm đau và mong muốn của người nông dân.
Vậy làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa các tiêu chuẩn của ngành công nghệ và thực tế nông nghiệp? Các nhà đầu tư và người sáng lập phải coi nông dân là nhà tư vấn trong việc phát triển sản phẩm. Mối quan hệ này sẽ mở ra những con đường cho sự đổi mới.
Agritech là tương lai của nông nghiệp, nhưng để đạt được điều đó đòi hỏi phải tôn trọng tính chất chu kỳ của nông nghiệp, xây dựng mối quan hệ mật thiết với người nông dân đồng thời tìm kiếm các mô hình công nghệ phù hợp nhằm tối ưu hoạt động của các trang trại.