Công tác kiểm tra cần chú trọng nâng cao nhận thức, lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị cần quan tâm chỉ đạo cụ thể, sát sao, hiệu quả công tác kiểm tra…
Phát biểu tại hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Quy định về công tác kiểm tra của Bộ (2018-2022) ngày 21/12, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, ngày 26/7/2018 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2692/QĐ- BGDĐT quy định về công tác kiểm tra (Quyết định 2692). Quy định đã góp phần công tác kiểm tra tiếp tục được đổi mới, phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra.
Sau 5 năm thực hiện, các căn cứ pháp lý có những thay đổi, việc chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị theo Nghị định mới cũng thay đổi. Do đó, cần đánh giá, nhìn nhận, thảo luận về những kết quả quan trọng cũng như những tồn tại, bất cập của công tác thanh tra, kiểm tra cùng việc thực hiện Quyết định 2692.
Để từ đó, không chỉ bổ sung, điều chỉnh Quyết định mà quan trọng hơn là thống nhất tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ đảm bảo yêu cầu nâng cao năng lực và chất lượng quản lý nhà nước cấp Bộ, từ đó, thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo.
Báo cáo tại hội nghị, Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường cho biết Quyết định 2692 là quy định và hướng dẫn quan trọng để đưa hoạt động kiểm tra bảo đảm thống nhất về nội dung, trình tự, thủ tục; tránh trùng lặp, chồng chéo.
Chánh Thanh tra nhấn mạnh rằng các đơn vị đã cố gắng bám sát vào kế hoạch kiểm tra hằng năm để tổ chức kiểm tra bảo đảm đúng thời gian, nội dung; hầu hết các cuộc kiểm tra được tiến hành thực hiện theo trình tự, thủ tục của quy định và hướng dẫn.
Riêng năm 2022, việc xây dựng kế hoạch bảo đảm ban hành đúng thời gian theo Quy định (ngày 25/12). Hầu hết các cuộc kiểm tra đã được thực hiện theo kế hoạch. Tính tới thời điểm báo cáo, đã thực hiện được 47 cuộc, 2 cuộc đang tiếp tục thực hiện trong tổng số 49 cuộc kiểm tra với 127 đơn vị.
Bên cạnh những việc đã làm được, công tác kiểm tra còn có một số hạn chế, vướng mắc, khó khăn, bất cập, từ các điều kiện bảo đảm cho công tác kiểm tra cho đến việc xây dựng, điều chỉnh kế hoạch kiểm tra hằng năm, việc tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra hằng năm. Trong đó, hoạt động về kiểm tra chưa có văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để xây dựng các quy định, hướng dẫn như hoạt động thanh tra; Quyết định 2692 sau 5 năm đi vào hoạt động đã bộc lộ nhiều điểm bất cập.
Ông Nguyễn Đức Cường nhấn mạnh, kiểm tra là hoạt động thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, là công cụ hữu hiệu trong nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với ngành giáo dục, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh cơ chế tự chủ hiện nay. Do đó, Chánh Thanh tra đề nghị mỗi đơn vị thuộc Bộ chú trọng, nêu cao vai trò của công tác kiểm tra, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Thời gian tới, dự kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉnh sửa, bổ sung hoặc thay thế Quy định về công tác kiểm tra của Bộ kèm theo Quyết định 2692, làm cơ sở để tổ chức thực hiện phù hợp với thực tế, quy định. Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất cần có phần mềm về công tác kiểm tra để thuận lợi hơn trong xây dựng kế hoạch, theo dõi việc tổ chức thực hiện kiểm tra, sau kiểm tra, báo cáo…
Các định hướng của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được sự nhất trí, đồng thuận cao từ các đại biểu tham dự hội nghị. Trong đó, đánh giá cao tầm quan trọng của Quyết định 2692 giúp công việc kiểm tra thống nhất, hiệu quả hơn. Các ý kiến cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Quyết định này, cũng như cần sớm có phần mềm công tác thanh tra, kiểm tra, giúp công tác quản lý điều hành của lãnh đạo Bộ và công tác xây dựng kế hoạch kiểm tra của các đơn vị thuận tiện, hiệu quả hơn.
Một số ý kiến cũng đề nghị tiếp tục nâng cao nghiệp vụ, nhận thức của đội ngũ về công tác kiểm tra; chú trọng công tác tập huấn định kỳ, chuyên sâu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến quán triệt văn bản quy phạm pháp luật về công tác kiểm tra; có chính sách biểu dương khen thưởng các cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác kiểm tra; đẩy mạnh công tác kiểm tra các đơn vị của Bộ; cần xử lý nghiêm một số trường hợp cụ thể, để làm gương, răn đe và truyền thông nâng cao nhận thức.
Tại hội nghị, ông Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đánh giá cao việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tiên phong ban hành Quyết định 2692, và cho rằng bộ, ngành nào cũng nên có quy định riêng về kiểm tra, có thể ban hành dưới hình thức Thông tư của Bộ trưởng nhằm tăng giá trị pháp lý của văn bản.
Đối với công tác kiểm tra thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị, cần chú trọng nâng cao nhận thức, lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị cần quan tâm chỉ đạo cụ thể, sát sao, hiệu quả công tác kiểm tra. Công tác kiểm tra phải thường xuyên, diện rộng, là cơ hội quý để tự soi tự xem, được soi được xem.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, yếu tố con người rất quan trọng, theo đó, người đi kiểm tra phải có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, am hiểu đối tượng, biết lắng nghe, quan sát, phân tích, so sánh, đối chiếu để có những kết luận xác đáng. Bên cạnh đó, kết quả của công tác kiểm tra cần có phát hiện vấn đề, có kiến nghị cụ thể, có những nội dung kết quả cần phải chủ động công bố, thông báo rộng rãi.