Việc nghiên cứu, cải thiện chỉ số HCI mang ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh toàn ngành giáo dục quyết tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần đưa Việt Nam thành công trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá…
Ngày 21/12, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì Hội thảo khoa học Chỉ số nguồn nhân lực-HCI và các giải pháp cải thiện. Hội thảo do Uỷ ban về giáo dục và phát triển nhân lực thuộc Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là mục tiêu đã được xác định ở Việt Nam. Việt Nam đang hướng tới xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Ngày 7/2/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQCP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020 định hướng đến 2025.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn theo đuổi thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngày 10/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, trong đó xây dựng Chính phủ điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn hiện nay.
Chỉ số Chính phủ điện tử được các cơ quan Liên hợp quốc thiết kế nhằm đo lường mức độ xây dựng Chính phủ điện tử của các quốc gia trên thế giới và hàng năm Liên hợp quốc thực hiện xếp hạng các quốc gia dựa trên Bộ chỉ số này. Bộ chỉ số Chính phủ điện tử gồm ba chỉ số thành phần: chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI); chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) và chỉ số nguồn nhân lực (HCI).
Bộ Giáo dục Đào tạo được giao trách nhiệm theo dõi và thực hiện các giải pháp để cải thiện chỉ số nguồn nhân lực (HCI), góp phần cải thiện chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam trong bảng xếp hạng quốc tế.
Các tiêu chí đánh giá chỉ số HCI là một hỗn hợp của 4 chỉ số: Tỷ lệ người lớn biết đọc, biết viết (Adult literacy); Tỷ lệ nhập học chung (Gross enrolment ratio – GER); Số năm đi học kỳ vọng (Expected years of schooling); Số năm học bình quân (Mean years of schooling).
Về tầm quan trọng, HCI chỉ ra các yếu tố cần quan tâm trong việc tiếp tục cải thiện trình độ học vấn cũng như trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam trong thế kỷ 21; cung cấp động lực cho Chính phủ Việt Nam không chỉ đầu tư nhiều hơn vào giáo dục mà còn đầu tư tốt hơn vào phát triển nguồn nhân lực một cách thực chất để nhân lực của thế hệ tiếp theo thực sự có chất lượng.
Hội thảo đã nghe nhiều tham luận cũng như giải pháp của các đại biểu tham gia góp phần cải thiện chỉ số HCI. Trong đó, chú trọng vào các giải pháp tăng tỷ lệ nhập học, tăng số năm đi học bình quân, tăng số năm đi học kỳ vọng, tăng số sinh viên đại học,…
Đánh giá cao trao đổi của các đại biểu, Thứ trưởng cho biết đây sẽ là cơ sở để Bộ Giáo dục Đào tạo tiếp tục mở rộng nghiên cứu, cải thiện chỉ số HCI, một chỉ số đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ Liên hợp quốc cũng như Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành tại Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục cập nhật, rà soát lại các thống kê, số liệu về giáo dục, đảm bảo theo thông lệ quốc tế. Cùng với đó, tích cực phối hợp với các cơ quan đo lường trong nước và quốc tế, giải quyết các vấn đề liên quan của chỉ số HCI.
Hiện nay, giáo dục Việt Nam đang phát triển theo hướng toàn diện nhằm phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo, năng lực riêng của mỗi con người, bám sát việc thực hiện Nghị quyết 29 NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Nhấn mạnh giáo dục phải phát triển song hành với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định việc nghiên cứu, cải thiện chỉ số HCI mang ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh toàn ngành giáo dục quyết tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần đưa Việt Nam thành công trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.