Dù tăng trưởng kinh tế đã có nhiều cải thiện sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị song kinh tế Nghệ An vẫn trong tình cảnh “đi trước về sau”, GRDP bình quân đầu người mới đạt 2/3 mức trung bình cả nước…
Ngày 20/12, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức tọa đàm “Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
GRDP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI BẰNG 2/3 TRUNG BÌNH CỦA CẢ NƯỚC
Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 12 cả nước, đóng góp 12,43% quy mô kinh tế vùng và 1,85% cả nước. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, riêng năm 2022, đạt 9,05%; thu ngân sách năm 2022 thực hiện trên 20.000 tỷ đồng.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, quá trình thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị vẫn còn tồn tại, hạn chế, nhất là mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 chưa đạt được.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nêu lại câu nói “Nghệ An đi trước về sau” và đặt câu hỏi liệu đây có phải là thực tiễn đang diễn ra?
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Nghệ An từng là tỉnh “đi đầu, dậy trước” trong phong trào cách mạng, quê hương của Xô Viết – Nghệ Tĩnh, nhưng từ khi Đổi mới đến nay vẫn luôn nằm trong top những tỉnh phải nhận điều chuyển trợ cấp ngân sách từ Trung ương và sau nhiều năm phấn đấu, GRDP bình quân đầu người mới chỉ đạt 2/3 mức trung bình của cả nước.
Một tỉnh có nguồn lao động dồi dào, giáo dục được khẳng định vị trí top đầu cả nước với truyền thống hiếu học, có những trường đại học, cao đẳng lớn, nhưng vẫn loay hoay với bài toán phát triển các ngành công nghệ cao, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…
“Vì vậy, khát vọng đưa Nghệ An phát triển tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế vẫn luôn là mục tiêu trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà”, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh.
CẦN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ NHƯ THẾ NÀO?
Để Nghệ An phát triển, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng Trung ương phải tạo cơ hội và điều kiện cho Nghệ An bứt phá. “Tuy nhiên, bản thân Nghệ An cũng phải đề xuất những cơ chế, chính sách vượt trội, giải pháp đột phá từ Trung ương và nỗ lực, quyết tâm cao để nắm lấy những cơ hội, vận hội triển khai hiệu quả, thực hiện hiệu quả sứ mệnh của mình”, ông Thiên nhấn mạnh nhất là trong bối cảnh Nghệ An cũng được hưởng những cơ chế đặc thù.
Gần đây, Nghệ An có sự gia tăng FDI đáng khích lệ. Song theo vị chuyên gia, đây mới là bước đầu, chưa rõ xu thế chất lượng (xu thế thời đại), do đó, thời gian tới cần quan tâm môi trường thu hút đầu tư, thu hút doanh nghiệp dẫn dắt; thu hút người tài để phát huy và gánh vác sứ mệnh tương lai của Nghệ An.
Cụ thể hơn, bà Thái Hương, Chủ tịch Công ty CP Sữa TH True Milk nhìn nhận có lẽ do kỳ vọng phát triển Nghệ An trong thời qua lớn quá trong khi thực tiễn chưa cho phép nên Nghệ An chưa hoàn thành mục tiêu trong Nghị quyết 26-NQ/TW.
“Ví dụ, nói về thu hút các nhà đầu tư chiến lược, Nghệ An có doanh nghiệp tầm cỡ chưa? Có rồi, chỉ là chưa có những cơ chế, chính sách khuyến khích nào cho doanh nghiệp phát triển”, bà Thái Hương nêu quan điểm. Song Nghệ An là vùng phên dậu, an ninh, quốc phòng, do đó bà lưu ý cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp có tâm, có tầm để đầu tư lĩnh vực phù hợp với vị trí, địa lý, thổ nhưỡng của vùng đất này mới có thể thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong thời gian tới.
Để thực hiện khát vọng, nguyên Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng đề xuất 4 giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, Nghệ An vẫn là nông thôn chiếm lớn nên Nghị quyết mới phải phát triển nông nghiệp hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao, để toàn tỉnh Nghệ An bứt phá vươn lên từ hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, đầu tư kinh doanh, các ngành nông nghiệp đều phát triển, đưa hàm lượng chất xám vào, làm cho ngành nông nghiệp Nghệ An phải giàu, phát huy được lợi thế.
Thứ hai, phải đưa công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào không chỉ nông nghiệp mà hiện đại hóa cả du lịch, văn hóa thương mại, nông thôn, đô thị. “Coi công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là bước đi quan trọng, phát triển kinh tế số, gắn liên với cải cách hành chính, đưa CMCN 4.0 vào một cách toàn diện, thúc đẩy sản xuất kinh doanh”, nguyên Chủ tịch Quốc hội nêu kiến nghị.
Thứ ba, về nhân lực, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, xây dựng con người Nghệ An có ý chí làm giàu, vươn lên, tự lực tự cường phát triển.
Cuối cùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội cho rằng Nghệ An cần cơ chế gì phải đề xuất kịp thời, để thực hiện được mục tiêu dân giàu tỉnh mạnh, tránh rơi vào tình trạng có Nghị quyết sớm nhưng hoàn thành các mục tiêu chậm.