Tính đến 15/12/2022, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị thanh tra chuyên ngành thuộc bộ kiến nghị xử lý 72.900 tỷ đồng. Hoạt động thanh tra tuân thủ các quy trình nghiệp vụ, quy định của luật pháp; giảm thiểu chồng chéo; giải quyết dứt điểm vụ việc tránh khiếu nại kéo dài. Qua đó, góp phần cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp…
Thông tin nói trên vừa được Thanh tra Bộ Tài chính công bố trong báo cáo hoạt động chuyên ngành năm 2022. Theo đó, trong năm 2022, đơn vị này đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị chức năng tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm nhằm từng bước thực hiện chủ trương của Chính phủ về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp trong năm 2022.
Cụ thể, thứ nhất, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Hàng năm, căn cứ yêu cầu quản lý tài chính, ngân sách của ngành và trên cơ sở định hướng của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ đều tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra cho ngành tài chính.
Trong đó, định hướng, xác định rõ nội dung, lĩnh vực cần tập trung thanh tra; chú trọng đến những lĩnh vực có khả năng xảy ra gian lận làm thất thu ngân sách, đảm bảo việc quản lý sử dụng ngân sách nhà nước chặt chẽ tiết kiệm; tập trung thanh tra công tác quản lý thuế, hải quan nhằm chống thất thu ngân sách Nhà nước; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ “Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022”, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 195/1.256 quy định, đạt 15,5% theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Nội dung công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chủ yếu thắc mắc về việc thu thuế, ấn định thuế không đúng quy định; chính sách về đền bù giải tỏa đất đai, đề nghị thanh toán nợ dân; tranh chấp trong lĩnh vực chứng khoán, thanh toán tiền mua bảo hiểm…”
(Thanh tra Bộ Tài chính).
Thứ hai, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức về các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng và các chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi hành công vụ.
Thanh tra Bộ Tài chính cũng tham mưu trình lãnh đạo Bộ ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 của Bộ Tài chính. Tổng số các đơn vị được xác minh tài sản, thu nhập của Bộ Tài chính là 25 đơn vị, tổng số người được xác minh tài sản, thu nhập là 362 người.
Đối với quy định của pháp luật về thực thi công vụ, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc bộ đã tuân thủ quy định về công tác luân chuyển luân phiên, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức, viên chức ngành tài chính nhằm phòng ngừa tham nhũng. Năm 2022 đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 5.416 người.
Thứ ba, việc thực hiện chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp, của công dân kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Việc tiếp công dân của người đứng đầu đảm bảo thời gian theo quy định, giải quyết hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Năm 2022 có nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp phát sinh. Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính đã tổ chức tiếp công dân tại trụ sở 303 lượt với 1.204 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Thanh tra Bộ Tài chính giúp lãnh đạo Bộ Tài chính về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp không để tồn đọng, kéo dài.
Thứ tư, chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, tránh chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra.
Cụ thể, ngay từ khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm cũng chỉ đạo toàn ngành thanh tra tài chính rà soát không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp; chủ động phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành xây dựng kế hoạch thanh tra.
Các cuộc thanh tra luôn thực hiện theo đúng định hướng, kế hoạch thanh tra đã phê duyệt. Nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao và chỉ thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trong năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính tiến hành rà soát, tập trung thanh tra kiểm tra trước đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Đối với các doanh nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không… thì chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra và chỉ xem xét phân tích rủi ro, báo cáo cơ quan cấp trên để thực hiện điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo quy định.
Tính đến ngày 15/12, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc gồm Tổng cục Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước… thực hiện trên 87,5 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách, sử dụng vốn đầu tư, quản lý giá, chứng khoán. Các đơn vị kiểm tra trên 781.000 hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, bắt giữ, xử lý trên 16.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan.
Tổng số đã kiến nghị xử lý tài chính là 72.900 tỷ đồng, trong đó thu nộp ngân sách nhà nước 21.770 tỷ đồng; giảm lỗ, giảm khấu trừ, xử lý vi phạm hành chính và xử lý tài chính khác 51.100 tỷ đồng.
#box1671686829751{background-color:#c8dcc8}